Mâm cỗ Tết của người miền Nam rất phong phú và ít gò bó về các nghi lễ truyền thống. Thể hiện sự hào phóng của một vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Cùng điểm qua những món ăn ngày Tết của người miền Nam nhé!
Mâm cỗ Tết của người Miền Nam có gì khác?
Tết cổ truyền là một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước. Mỗi vùng miền trên đất nước ta sẽ mang một màu sắc đặc trưng riêng. Nếu các món ăn truyền thống trong ngày Tết của người miền Bắc là bánh chưng, giò thủ và thịt nấu đông… Thì người miền Nam lại có một chút khác biệt.
Thưởng thức những món ngon đặc trưng trong những ngày Tết ở miền Nam bạn sẽ không thể quên được hương vị đặc biệt của những món ăn này. Có thể kể ra những món như bánh tét, thịt heo kho nước dừa, canh mướp đắng thịt bằm… Đó là những món ăn không thể thiếu của người miền Nam trong dịp lễ Tết.
>>> Xem thêm: Tết về quê có bị cách ly không?
Bánh Tét – món ăn ngày Tết miền Nam đặc trưng
Nói đến các món ăn ngày Tết ở miền Nam thì không thể bỏ qua món bánh tét. Bánh tét rất đa dạng về màu sắc và hương vị. Nếu như Tết miền Trung có bánh tét mặn thì miền Nam lại chuộng bánh tét ngọt hơn. Bánh được làm từ gạo nếp ngon, dẻo, nhồi với đậu xanh và chuối hoặc các loại gia vị khác.
Đặc biệt là nếp gói bánh tét được tẩm với các loại lá tạo nên màu sắc đẹp mắt. Chẳng hạn như bánh tét ngũ sắc kiểu miền Tây. Gạo nếp được ngâm với lá cẩm tạo màu tím, ngâm lá dứa tạo màu xanh, gấc tạo màu đỏ… tạo nên những chiếc bánh tét ngũ sắc tinh tế. Ngoài ra, bánh tét còn có loại làm nhân chay hoặc nhân mặn tùy theo ý thích của từng người.
Bánh tét thường được ăn kèm với củ kiệu ngâm chua ngọt hoặc củ cải ngâm nước mắm để tăng hương vị cho món ăn.
Thịt kho trứng – Món ăn ngày Tết miền Nam
Thịt kho trứng hay còn gọi là thịt kho Tàu hay thịt kho nước dừa.
Một trong những món ngon truyền thống miền Nam thường thấy trên mâm cỗ ngày Tết là thịt kho trứng. Có nhiều cách kho hơi khác nhau một chút nhưng điểm chung là làm từ thịt heo có mỡ, trứng và nước dừa. Bởi vậy mà nhiều nơi gọi món này với tên gọi hơi khác nhau một chút. Như thịt kho Tàu, thịt kho trứng hay thịt kho nước dừa.
Để có món thịt heo kho trứng ngon, bạn phải chọn thịt ba chỉ. Thái miếng hơi to một chút. Tẩm ướp gia vị trước khi nấu. Kho thịt heo với trứng cho đến khi nước dùng sệt và các nguyên liệu có màu vàng nâu. Có rất nhiều nước dừa trong món ăn này để làm cho món ăn ngọt vị và béo hơn.
Mọi người thường ăn món này với cơm trắng và dưa hay củ kiệu muối chua. Nước kho thịt có thể dùng làm nước chấm ăn cùng các loại rau sống hoặc rau thơm.
Canh măng khô hầm giò heo
Măng là món ăn cung cấp nhiều chất xơ và vitamin cho cơ thể con người. Canh măng đã trở thành món ăn ngày Tết miền Nam được nhiều gia đình yêu thích. Một trong những đặc điểm của món canh măng ngày Tết là được nấu bằng măng khô ăn rất ngon.
Măng khô được hầm với chân giò heo. Có thể thêm ít tai nấm (nấm đông cô, nấm rơm hoặc nấm mèo) để thêm ngon hơn.
Nếu được nếm món canh măng ngon trong bữa ăn ngày Tết thì ai cũng mê. Bởi nó mang một sắc thái rất riêng mà ai cũng thấy hấp dẫn.
>>> In áo đồng phục theo yêu cầu
Lạp xưởng
Lạp xưởng được coi là một trong những món ăn miền Nam cho ngày Tết không thể thiếu. Lạp xưởng phổ biến nhất được làm bằng thịt heo. Và có hai loại: lạp xưởng tươi và khô.
Ngoài ra còn có lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá, v.v. Nhưng không phổ biến bằng lạp xưởng làm từ thịt heo.
Muốn ăn lạp xưởng ngon có thể đem luộc, chiên, nướng…
Củ kiệu – tôm khô
Củ kiệu là một loại củ đặc trưng ở các vùng sông nước Nam Bộ. Thường được trồng vào cuối thu, đầu xuân. Mỗi độ xuân về, ngoài món bánh tét và thịt kho Tàu… thì không thể thiếu những món ăn kèm như củ kiệu ngâm chua ngọt. Vì vị chua ngọt của củ kiệu sẽ giúp món chính bớt ngán.
Phương pháp muối củ kiệu cũng rất đơn giản. Củ kiệu sau khi đã lột vỏ chỉ cần ướp cùng cà rốt với nước đường khoảng 2-3 ngày là có thể thưởng thức. Củ kiệu giòn, chua chua cay cay đặc trưng thường được ăn kèm với bánh tráng cuốn hoặc bánh tét. Nhiều nơi còn ngâm củ kiệu vào nước mắm cho đậm đà.
Ngoài ra, món ăn ngày Tết của miền Nam còn có thể kết hợp củ kiệu với tôm khô. Hoặc có thể thêm món trứng bắp thảo để làm món nhậu ngon ngày Tết cho các quý ông. Vị chua chua của củ kiệu, thơm ngọt của tôm khô, bùi bùi béo béo của trứng muối khiến chúng rất “bắt mồi”.
Canh khổ qua (mướp đắng)
Theo quan niệm dân gian, món canh “khổ qua” trong ngày Tết là để cầu mong những vất vả của năm cũ qua đi. Và đón một năm mới với nhiều may mắn, tốt đẹp hơn. Vì vậy, món ăn này cũng là một trong những món ăn ngày Tết miền Nam được nhiều người yêu thích.
Hơn nữa, không chỉ mang ý nghĩa “khổ qua” mà món canh mướp đắng này còn cung cấp năng lượng cho cơ thể một cách tuyệt vời. Món canh này có rất nhiều công dụng: giải nhiệt, điều vị, giảm béo… Vậy nên sẽ tuyệt vời hơn nếu có món canh thanh đạm và nhiều dưỡng chất này trong ngày Tết.
Món ăn ngày Tết miền Nam rất đa dạng và phong phú
Trên đây là một số những món ăn rất phổ biến trong những ngày Tết theo phong tục của người miền Nam. Ngoài những món trên thì còn nhiều món ăn điểm tâm hay bánh mứt khác dùng trong việc tiếp đãi khách. Chẳng hạn như các loại mứt: mứt dừa, gừng, bí, hạt sen… Hay những món gỏi gà, chả giò, xôi vò… trong các mâm cơm cúng ông bà những ngày Tết
Hy vọng những món ăn ngày Tết miền Nam trên đây sẽ giúp bạn trong việc chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp tới. Và mang đến cho gia đình mình một cái Tết ấm cúng, trọn vẹn hơn bao giờ hết.
Ngoài những món chính trên, bạn cũng có thể bổ sung vào thực đơn gia đình những món chay ngon ngày mùng 1 Tết. Tết Nguyên Đán là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả. Chúc bạn và gia đình có một năm mới ấm no, hạnh phúc và nhiều niềm vui.